Dịch sốt xuất huyết năm nào cũng xảy ra khiến ai cũng lo sợ, đặc biệt ở những vùng đông dân cư, nhiều ao tù nước đọng, vũng nước khiến bệnh diễn biến phức tạp. Người lớn sức đề kháng tốt thường vượt qua được, còn trẻ em thì hay gặp các biến chứng hơn. Cùng tìm hiểu các dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ em để các mẹ có thể phát hiện và đưa bé đi điều trị sớm nhất!
1. Các giai đoạn bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Cũng giống như các bệnh truyền nhiễm khác, sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra và trải qua lần lượt từng giai đoạn.
Giai đoạn ủ bệnh:
Thời gian ủ bệnh thường 3-6 ngày từ sau khi bé bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Một số trường hợp có thể kéo dài tới 15-20 ngày mới phát bệnh.
Trong giai đoạn này trẻ không có triệu chứng gì đặc biệt, trẻ vẫn ăn ngủ tốt.
Giai đoạn khởi phát:
Triệu chứng nổi bật nhất là sốt cao đột ngột, có thể 39-41 độ. Uống thuốc hạ sốt thường kém hiệu quả, chỉ hạ sốt chứ không hết sốt hoàn toàn, 3-4 giờ sau uống hạ sốt sẽ sốt lại.
Chính vì vậy các mẹ cần hạ sốt cho bé bằng cách chườm ấm khắp người, đắp khăn vùng nách bẹn cho bé hạ sốt. Ngoài ra khi bé sốt >38,5 độ cần cho bé uống thuốc hạ sốt ngay, cho bé uống nhiều nước.
Các triệu chứng đi kèm có thể gặp là mặt đỏ phừng, mắt đỏ, người mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, đau đầu, đau mỏi khắp mình mẩy. Với các bé nhỏ hơn thường đi kèm ho, sổ mũi, viêm họng, đau rát họng…Các trẻ em ít tuổi chưa biết nói biểu hiện bằng quấy khóc, bỏ bú, vò đầu, bứt tóc…
Giai đoạn toàn phát:
Sau khi sốt khoảng 3-7 ngày thì bắt đầu hạ sốt, các mẹ đừng chủ quan vì đây mới là giai đoạn nguy hiểm của trẻ.
Trên cơ thể trẻ bắt đầu xuất hiện các biểu hiện xuất huyết nhẹ như các chấm xuất huyết trên da, các nốt xuất huyết, có thể chảy máu chân răng, chảy máu cam. Ban xuất huyết có thể gây ngứa, lan dần khắp cơ thể đặc biệt khi trẻ vận động mạnh liên tục.
Trường hợp nặng có thể xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết nội tạng gây tình trạng nguy hiểm. Các trường hợp này cần nhập viện điều trị ngay.
Giai đoạn hồi phục:
Trẻ em hết sốt, tình trạng tốt lên dần, bắt đầu thèm ăn, các nốt xuất huyết trên da biến mất dần.
Đây là giai đoạn các mẹ cần chú ý dinh dưỡng và chăm sóc bé toàn diện, để giúp cơ thể bé hồi phục, lấy lại sức khỏe sau sốt xuất huyết.
Chế độ ăn nên bổ sung đủ dưỡng chất, thức ăn lỏng dễ tiêu và chia nhiều bữa để cơ thể bé thích nghi dần.
2. Các dấu hiệu nguy hiểm cần nằm viện
- Sốt quá cao, uống thuốc hạ sốt không đỡ
- Nôn quá nhiều, mất nước nặng(mắt trũng, da khô…)
- Xuất huyết lan rộng hoặc xuất huyết niêm mạc
- Chân tay lạnh, mạch nhanh nhẹ
- Tinh thần bé thay đổi: bé đang tỉnh táo bỗng lừ đừ, mệt mỏi, nằm im hoặc có khi vật vã, mê sảng
- Đau bụng dữ dội, hoặc đi ngoài, đi tiểu ra máu…
Nói chung sốt xuất huyết ở trẻ em là bệnh nguy hiểm cần sự theo dõi sát của gia đình, khi trẻ có dấu hiệu bất thường cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Các thông tin bài viết để chia sẻ thông tin cho các mẹ tham khảo, cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ.
Bạn có thể quan tâm tới bài viết:
Comments